Phân bố Angiostrongylus cantonensis

Trường hợp bệnh viêm màng não-não do A. cantonensis ở người đầu tiên được phát hiện ở một bé trai tại Ðài Loan (Nomura và Lin., 1945), khi đó sáu con giun trong dịch não tủy của bệnh nhi này. Trên người, giun có thể gây viêm não, màng não với sự gia bạch cầu toan tính, hoặc ái tính với mô mắt. Bệnh lưu hành phổ biến ở Viễn Ðông, một số đảo ở Thái Bình Dương, Ðông Nam Á, nhất là Ðài Loan, Nhật Bản, Thái Lan. Theo một nghiên cứu tổng thể của John H.Cross, thuộc khoa Khoa học sức khỏe, đại học y khoa Hebert, Bethesda, Maryland, Hoa Kỳ tổng kết loài ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis phân bố nhiều ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan,Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, đảo Tahiti, New Caledonia, Papua New Guinea, Australia, Cuba, Puerto Rico, Hawaii. Tính đến năm 2000, tổng số hơn 3.500 trường hợp viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do ký sinh trùng này được báo cáo tại trên 30 quốc gia trên thế giới.

Tại Mỹ thì loài ký sinh trùng này tìm thấy trên chuột, các loài nhuyễn thể và một trường hợp được báo cáo từ New Orleans; ở châu Phi (Madagascar) thì A.cantonensis được phát hiện ở chuột. Riêng tại Việt Nam, kể từ năm 1960 thì số trường hợp viêm màng não-não nghi ngờ do A. cantonensis cũng được ghi nhận và báo cáo, đặc biệt là trường hợp bệnh nhân mổ tử thi phát hiện giun này (Phan Trinh và cs., 1974). Từ đó đến nay số ca phát hiện ngày một tăng lên, mỗi năm khoảng gần 70-100 trường hợp được phát hiện trên phạm vi toàn quốc, số ca được phát hiện quá thấp so với số ca được xét nghiệm dương tính đến nhiều lần (mặcdù có tỷ lệ dương tính giả cao), song điều đó có nghĩa là bệnh nhiễm KST này mới chỉ được các thầy thuốc lưu tâm trong 10 năm qua cùng với sự tiến bộ của y học chẩn đoán, đặc biệt lĩnh vực huyết thanh chẩn đoán.

Đặc điểm bệnh nhân nhiễm A.cantonensis là có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp (58- 76%) trong độ tuổi lao động (15-55 tuổi), trẻ dưới 15 tuổi cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ đến 10-24%. Giới nam gặp nhiều hơn nữ qua nhiều báo cáo trong nước và y văn thế giới, chiếm tỷ lệ trên 70%, có lẽ nam giới thường ăn những thức ăn tái, sống, trộn hơn là nữ giới (N.T.Xuân., 2005; H.H.Quang và cs.,2007). Đa số bệnh nhân là dân lao động (70-90%), nông dân và ngư dân chiếm số lớn và điều kiện làm việc của họ tiếp xúc với mầm bệnh (bắt ốc, sò huyết, ốc nhảy, hàu, vẹm đỏ, vẹm xanh, ốc sống). Cách chế biến của họ cũng đơn giản thường ăn sống chấm với hỗn dịch [mù tạt + xì dầu hay tương đen] hoặc thái mỏng trộn gỏi, hấp ăn với gừng, xả,…chưa đủ đảm bảo chết ấu trùng giai đoạn nhiễm.